Tết
âm lịch là dịp cho những ai đi xa có thời gian quay trở về để sum họp cùng gia
đình, cùng ngồi lại với nhau bên mâm cơm ấm cúng cùng với những người thân thương,
kể cho nhau nghe về những vui buồn suốt một năm đã trôi qua, chia sẽ với nhau
nhưng ước muốn, những dự định trong năm mới.
Tết cũng là dịp đặc biệt để chúng ta nối kết tình thân trong gia
đình, là dịp cho những ai xa xứ được trở về, được có thời gian để ở bên những
người thân thương sau một năm dài mệt mỏi mưu sinh nơi xứ người.
Còn nhớ mãi những cái tết của tuổi thơ tôi. Ngày đó khi cuộc
sống còn nhiều khó khăn, thiếu thốn về vật chất, nhưng những cái tết với tôi thật
ấm cúng và đầy tình yêu thương gia đình, nơi đó có ba, có mẹ, có anh em tôi.
Hồi nhỏ, vì cuộc sống khó khăn nên các cô tôi phải rời bỏ quê
hương để lên Sài Gòn lập nghiệp, mỗi năm chỉ về một lần vào dịp tết, nên tết là
khoản thời gian gia đình có mặt đầy đủ và vui vẻ nhất. Có các cô về, dọn dẹp
trang trí nhà cửa để đón tết, nhà nội tôi nhộn nhịp hẳn lên.
Nhờ thời đó, khi mà những gói mì tôm, cháo bịch và những thứ
đóng gói tương tự còn là một thứ xa xỉ phẩm với gia đình tôi, các cô về mang
theo một ít phở và hủ tíu gói từ Sài Gòn làm quà cho các cháu, anh em tôi thích
lắm, mỗi nhà chỉ được vài gói nhưng quý vô cùng, để dành không dám ăn cứ sợ
hết.
Ngày ông bà nội còn sống, cứ mỗi sáng mùng một Tết, sau khi đi
lễ về là tất cà mọi người cùng tụ họp lại nhà nội để mừng tuổi ông bà và chúc
tết nhau, các đứa cháu nhỏ như anh em tụi tôi sẽ được người lớn lì xì nên háo
hức lắm. Hồi đó mỗi đứa chỉ được lì xì một hai ngàn đồng nhưng lớn lắm, với hai
ngàn đồng anh em tôi có thể lại nhà ông năm trong xóm chơi trò điện tử Contra
cả tiếng đồng hồ, và chỉ có tết tôi mới có tiền để tận hưởng cái thú vui này.
Tôi vẫn còn nhớ ngày đó ba hay dạy anh em tôi phải hiếu kính với
những người đã sinh ra mình, những ai còn sống cũng như đã qua đời, đó không
chỉ là ba mẹ, mà còn là ông bà, tổ tiên. Giống như câu nói dân gian rằng “Cây
có cội, nước có nguồn, con người có tổ có tông”. Nên cứ mỗi dịp tết về, ba hay
dẫn anh em tôi đi thăm từng nhà và chúc tết ông bà, cô dì chú bác, năm nào cũng
như vậy, như nhắc anh em tôi luôn nhớ về nguồn cội của mình.
Nhớ có lần đến thăm ông bõ, ông cho anh em tôi mấy viên kẹo, ông
nói là ông lớn tuổi rồi, Chúa gọi lúc nào thì đi lúc đó, năm mới ông không có
gì cho tụi con, chỉ có mấy viên kẹo, sau này tụi con lớn lên có nhìn thấy kẹo
thì còn nhớ và cầu nguyện cho ông bõ.
Cứ trước mỗi dịp lễ cầu nguyện cho các linh hồn đã mất vào mùng
2 Tết và tháng 11 dương lịch, có khi ba hoặc chú chín hay dẫn tôi đi rửa mộ của
những ông bà tổ tiên đã mất, ngày đó còn nhỏ không biết những người đó là ai,
cứ thấy ba kêu làm cỏ và xách nước rửa mộ thì làm theo vậy thôi. Nhưng rồi cứ
mỗi năm lặp đi lặp lại như vậy nó trở thành mội thói quen đi sâu vào trong trí
nhớ của tôi. Giờ đây các ngô mộ cũ ngày đó đã được làm mới khang trang, không
cần phải mất công dọn rửa như ngày trước nữa, nhưng mỗi dịp lễ tôi vẫn không
quên đến để thắp cho các ngày một nén nhang và câu kinh cầu nguyện.
Thời gian thắm thoát thoi đưa, thoáng cái mà ba đã đi cũng gần
15 năm, nhiều người thân thương ngày xưa giờ đã lớn tuổi, một vài người cũng đã
không còn nữa. Những cái tết ấm cúng và đông vui bên gia đình như ngày xưa giờ
đây chỉ còn trong trí nhớ. Thời gian qua đi, cảnh vật và con người đều đã thay
đổi, chỉ có những bài học về sự hiếu kính với bậc sinh thành mà ba đã để lại
cho tôi là còn mãi.
Cứ mỗi dịp mùng 2 Tết, dịp đặc biệt dành riêng để kính nhớ tổ
tiên, ông bà, cha mẹ, những ai còn sống cũng như đã qua đời, tôi lại tìm đến mộ
của những người thân, thắp cho mỗi người một nén nhang để tỏ lòng tôn kính và
biết ơn. Có những người khi tôi sinh ra họ đã không còn, có những người tôi còn
chưa biết họ là ai, chỉ nghe ba nói đây là tổ tiên của mình. Mùng 2 Tết năm nay
thật ý nghĩa, buổi sáng đi lễ quê ngoại, buổi chiều đi lễ quê nội, cả hai cha
giảng lễ đều chia sẻ chung một câu nói: “Sóng trước vỗ đâu, sóng sau đổ đấy”, như
muốn nói với mọi người rằng hãy hiếu thảo với các đấng sinh thành của mình, để
ngày sau con cháu lấy đó làm tấm gương mà noi theo. Tôi sẽ mãi ghi nhớ những
điều này.
Còn nhiều lắm những ký ức đẹp về ngày Tết của
tuổi thơ, cả tôi và bạn. Kỷ niệm sẽ luôn còn sống mãi trong lòng tất cả mỗi
người chúng ta, hãy lưu giữ lại những khoảnh khắc của tuổi thơ để ngày sau nhìn
lại còn có cái để mỉm cười, để nhớ, để kể cho nhau nghe về một thời ta đã…
Nguyễn Quốc Bửu
23/2/2018
0 Comments:
Đăng nhận xét