Ngày đó, Ba tôi mất sớm khi
tôi mới lên 12 tuổi. Ở cái độ tuổi của một đứa trẻ con ngây thơ, tôi đã có thể
cảm nhận được nỗi đau tột cùng và sự mất mát to lớn này.
Ba tôi, một người đàn ông chân quê, được xem là hiền
lành, chịu khó, và đặt biệt là có một phần thánh thiện trong mắt mọi người.
Bình thường Ba tôi rất ít nói, chỉ làm và làm thôi. Ngày đó nhà tôi nghèo lắm,
vì vậy Ba và Mẹ phải thức khuya dậy sớm đi đặt dớn trên những cánh đồng gần nhà,
bắt cá, tôm, tép đem bán để lấy tiền lo cho anh em tôi có một cuộc sống đầy đủ,
có những bữa cơm ngon nhất thế giới (dù chỉ những món cơm canh đạm bạc,
bình dị, nhưng nó chất chứa tất cả những tình cảm tốt đẹp nhất mà Ba Mẹ dành
cho anh em chúng tôi).
Ba tôi hiền lành và tốt
bụng lắm, luôn sống tốt với tất cả mọi người xung quanh. Trong suốt quãng thời
gian 12 năm được sống
bên cạnh Ba, tôi chưa bao giờ thấy Ba lớn tiếng hay cãi vã với mọi người xung
quanh, và cũng rất ít khi thấy Ba Mẹ giận nhau chuyện gì (có thể có nhưng trong trí nhớ của tôi không đọng lại hình ảnh nào về
việc Ba Mẹ giận nhau hết).
Nhà tôi theo đạo Thiên
Chúa từ gốc ông bà, Ba tôi là một tấm gương của một người con ngoan đạo cho anh
em tôi noi theo. Ba tôi luôn đặt việc nhà thờ lên trước việc nhà, và lúc nào
cũng chu toàn cả 2. Ba tôi được giao trọng trách chở các giáo lý viên đến
các điểm truyền giáo thuộc vùng Kinh Tế Mới để dạy giáo lý cho các anh em Tân
Tòng, hoặc đưa rước các anh em Tân Tòng đến nhà thờ tham dự Thánh Lễ. Thời đó
điều kiện còn khó khăn, giao thông đường bộ chưa phát triển lắm, mà lại là vùng
quê sông nước, nên việc đi lại chủ yếu là bằng xuồng, ghe, hay võ lãi. Một tuần Ba tôi cứ phải đi 2 - 3 lần,
nhà thờ gọi đi lúc nào là đi lúc đó thôi. Tôi vẫn còn nhớ mãi hình ảnh Ba
tôi với làn da nâu sạm vì rám nắng, mái tóc lụp xụp chảy bảy - ba chạm cổ, đôi
bàn tay thô ráp chay sạn, một tay Ba cầm cần láy của chiếc võ lãi để điều
khiển, một tay Ba cầm sợi dây chuổi để lần hạt đọc kinh Mân Côi. Mỗi khi có
chút thời gian rãnh là Ba tôi lại dành thời gian đọc kinh, không để một giây
phút nào trôi qua trở nên vô nghĩa.
Thuở đó nhà tôi nghèo,
nhà lá lụp xụp dưới sát bờ kênh Xà No. Mỗi năm đều phải hứng chịu cảnh lũ lụt
nước dâng lên đến nữa chân giường, phải kê ván mà đi nếu không muốn phải lội
xuống nước. Và cái nhuyện ngủ một đêm, sáng ra nước dâng lên cuốn trôi hết
không còn một đôi dép, cứ như chuyện đùa, nhưng là có thật ở xóm tôi. Ba và Mẹ
tôi đã phải cố
gắng làm lụng vất vả, rồi vay mượn thêm một ít để cuối cùng nhà tôi cũng có
được một ngôi nhà tường khang trang trên bờ (cách
một con đường là đến sông), không phải lo sợ nước lụt hay những đêm mưa
giông gió cuốn nữa.
Ba tôi, có lẽ suốt cuộc
đời chưa được sung sướng ngày nào, khi mà cuộc sống đã bớt vất vả đi, những bữa
cơm ngon hơn và đầy đủ hơn, cũng là lúc Ba rời tôi. Căn bệnh ung thư phổi ác
tính đã hành hạ Ba tôi từng cơn. Hàng ngày Ba chỉ biết đọc kinh cầu nguyện và cắn
răn chịu đựng, tự mình chóng chọi với những
cơn đau quằn quại thắt người, nhưng chưa hề than vãn một lời.
Một buổi chiều trời nhá
nhem tối của tháng 7, Ba tôi nằm võng ở cái trái sau nhà, tiếng võng đưa cót
két, ánh mắt Ba nhìn về xa xăm phía chân trời, nghĩ ngơi điều gì mông lung lắm. Tôi đang giã thuốc nam cho Ba gần đó, nhìn Ba ngày càng ốm đi, tôi hiểu
được bệnh của Ba nặng như thế nào, và biết mình không còn được gần Ba được
nhiều nữa, tự nhiên hai mắt nhòa đi không còn nhìn thấy gì nữa, và thế là nước
mắt cứ như chực chờ sẵn có dịp là rơi xuống. Tôi có đọc một số truyện cổ tích,
có nhiều lúc nước mắt đã làm nên phép lạ, cứu sống được một người nào đó. Tôi
cố tình để cho nước mắt của mình rơi vào cái cối thuốc tôi đang giã, với một ý
nghĩ hết sức trẻ con là nó có thể làm nên một phép lạ trị hết bệnh cho Ba tôi.
Gia đình bên Nội và Ngoại đều cố gắng chạy chữa mọi
nơi, ai bảo ở đâu có thầy thuốc giỏi là mọi người đưa Ba đến, có lần lên tới
tận Đồng Nai. Nhưng rồi mọi biện pháp chữa trị, mọi phương thuốc Đông Tây Nam
Bắc đều không có tác dụng. Đến lúc mà dường như Ba đã không còn đủ sức để chóng
chọi lại với căn bệnh nữa, mọi người mới sử dụng đến biện pháp cuối cùng là mua
một loại thuốc phiện về tim cho Ba tôi (tôi
không nhớ rõ đó là loại thuốc gì, bán trong bệnh viện, nhưng phải có sự đồng ý
của Bác Sĩ chuyên khoa thì mới được sử dụng, do có người quen trong Bệnh Viện
nên nhà tôi mới mua được loại thuốc đó về tiêm cho Ba). Ngày đầu tiêm
thuốc, Ba cảm thấy khỏe hơn và ngủ được ngon hơn. Ba liền nói với chị ruột (tức là Cô Ba của tôi): “phải tiêm cho
em thuốc này sớm chắc giờ em hết bệnh rồi”. Ba không hề biết rằng mình vừa được
tiêm một loại thuốc phiện vào để an thần và giảm đau nhức. Nhưng rồi cũng được
một ngày, hai ngày, đến ngày thứ ba thì dường như thuốc đã không còn tác dụng
nữa, và cơn đau bắt đầu quằng quại hơn, Ba gồng người, cắn chặt môi để chống
lại nó.
Một buổi sáng ngày 2 tháng 9 năm 2003, bầu trời trong
xanh, nắng ấm áp, và chắc chắn là một ngày rất đẹp, ở một góc độ nào đó của
Niềm Tin, tôi cảm thấy nó đẹp vì đó là ngày mà Chúa đã gọi Ba tôi về với Ngài,
kết thúc một đời người vất vả, kết thúc cơn đau bệnh hành hạ thân xác. Hàng xóm
lúc đó ai cũng thương Ba tôi, mọi người cứ bảo: “Vào rừng, ai cũng chọn cây
ngay mà đốn trước, không ai lại đi đốn cây cong”.
Ngày đó Ba tôi ít khi dạy bảo anh em chúng tôi điều
gì, nhưng bằng chính cuộc đời mình, Ba đã để lại cho tôi những bài học quý giá
mà tôi phải học cả đời này mới có được.
Ba tôi là thần tượng và là niềm tự hào của tôi, mãi
đến nhiều năm sau này, khi mà có dịp nghe mọi người kể lại về những việc Ba tôi
đã làm ngày trước, đã cư xử với mọi người như thế nào lúc còn sống, tôi lấy làm
tự hào và ngẩng cao đầu vì có được một người Ba tuyệt vời nhất thế giới.
Bình Dương, ngày 23/06/2014
Nguyễn Quốc Bửu
0 Comments:
Đăng nhận xét