Trung thu xưa, những vầng trăng màu ngà, to một cách kỳ lạ, với
những giải mây giăng ngang, những chiếc đèn ngôi sao lung linh nến, chiếc đầu
sư tử màu sắc dữ dội… kỷ niệm lắng sâu như một đáy gương trong, không màu mè,
không vồn vã, không đẩy đưa…. rất tinh khôi và bình yên…
Những ngày này năm cũ, trẻ háo
hức chờ đón những món đồ chơi rẻ tiền. Khi bữa cơm tối kết thúc, trăng vừa lên,
trẻ đã gọi nhau ời ời để cùng nhau ra đường ngắm trăng rồi quây quần bên mâm
ngũ quả. Bánh nướng bánh dẻo chỉ đơn giản với hình con cá, con lợn... Trẻ tíu
tít cùng nhau chơi những trò chơi dân gian: rồng rắn lên mây, rước đèn kéo
quân, đèn ông sao, múa lân, múa sư tử... ngêu ngao những bài hát chờ đón chị
Hằng.
Không chỉ riêng trẻ nhỏ, người
lớn thì cặm cụi làm cho các con đèn lồng, sửa soạn mâm ngũ quả. Tôi vẫn nhớ,
thuở nhỏ, mẹ thường làm cho chị em tôi con mèo từ những múi bưởi, để đem khoe
với các bạn cùng xóm. Đến khi trăng lên, người lớn nhâm nhi ăn bánh, uống trà,
kể chuyện chú Cuội, chuyện đời xưa cho các con. Những mùa trung thu ấy, thật
khó phai trong tâm trí mỗi người.
Trẻ con đeo những chiếc mặt nạ
ngộ nghĩnh, gõ trống đợi trăng lên cao. Đến khi vầng trăng tròn vành vạnh tỏa
sáng giữa bầu trời thì mâm cỗ được phá. Trong đêm Tết Trung thu, trẻ cũng rất
thích chơi trò rồng rắn. Đi trước là đội múa lân, đội gõ trống, trên
tay cầm những chiếc đèn rực rỡ sắc màu và hình thù, hát vang những giai điệu
vui tươi rộn ràng: “Ông giẳng ông giăng/ Xuống chơi với tôi/ Có nồi cơm nếp/ Có
nệp bánh trưng/ Có lưng hũ rượu/ Có khiếu đánh đu/ Thằng cu vỗ chài/ Bắt chai
bỏ giỏ…
Thêm vào đó là ông địa vui nhộn
với cái bụng tròn, khuôn mặt phúc hậu với nụ cười rạng rỡ. Đoàn múa lân và các
em nhỏ cùng nhau đi đến từng nhà chúc mừng Trung thu vui vẻ, được các gia đình
thưởng kẹo bánh. Sau khi đi hết một vòng, số kẹo bánh này lại được mọi người
mang ra tổ chức liên hoan vui chung. Đêm cứ thế rộn rã cho đến khuya....
Trung thu nay vẫn trăng tròn
vành vạnh, vẫn có đèn ông sao, nhưng không khí trung thu không còn háo hức như
trước. Người lớn thì bận rộn, chỉ cần “rút ví” là có thể có hàng loạt đồ chơi
làm quà cho con. Vì thế mà trẻ con cũng không nôn nao chờ đợi Trung thu như
ngày trước.
Thay vì đồ chơi dân gian, đường
phố luôn ngập tràn đồ chơi xuất xứ từ Trung Quốc, muôn mầu muôn vẻ, từ rẻ đến
đắt, bày bán la liệt trên các con phố, lề đường. Dọc trên tuyến phố Lương Văn
Can, Hàng Mã, rợp trời cờ hoa, lồng đèn sặc sỡ, mặt nạ kỳ quái, súng ống, tóc
giả, gương lược..., chẳng thiếu thứ gì. Nhìn đồ chơi ngoại nhập được mua
bán tấp nập còn những gian hàng bán đồ chơi dân gian đìu hiu, nhiều người không
khỏi chạnh lòng.
Giờ đây mỗi lần thấy phố phường
bày bán bánh trung thu là tôi lại thèm được nghe những bài hát đồng dao quen
thuộc, thèm được thấy sắc nến lung linh của những chiếc đèn ông sao, đèn quả
châu được thắp sáng từ những đôi tay bé xíu của đám trẻ ngày ấy. Lũ chúng tôi
lớn lên đều đã rời xóm nhỏ tìm đến những phương trời mới, để rồi vẫn mãi mang
theo hoài niệm về những mùa trăng cũ trôi vào ký ức.
Sưu tầm
0 Comments:
Đăng nhận xét