Có bao giờ
bạn dành riêng cho mình những khoảng lặng, để suy tư, để ngẫm nghĩ, để nhìn lại
cuốc sống của mình hay không? Có bao giờ bạn tự hỏi vởi bản thân mình rằng
trong mắt mọi người, mình là một con người như thế nào hay không? Có bao
giờ bạn tự hỏi rằng trong thời gian qua mình đã sống một cuộc sống như thế nào?
Và cái đích của cuộc sống mà mình hướng đến trong tương lai là gì hay không?
Thường khi trải qua một biến cố nào đó trong cuộc đời,
con người ta ít nhiều sẽ có sự thay đổi. Thay đổi trong quan điểm, thay đổi về
cách nhìn cuộc sống, thay đổi về tính cách, và nhiều khía cạnh khác. Sự thay
đổi đó mang tính tích cực hay tiêu cực là tùy vào nhận thức và bản lĩnh của mỗi
người. Có người sau những nghịch cảnh thì trở nên mạnh mẽ và vững vàng hơn, có
người thì gục ngã và mãi mãi chìm trong vũng bùn nhơ đó mà không thoát ra được.
Để bản thân mình có thể mạnh mẽ và vững vàng vượt qua
những khó khăn và trở ngại của cuộc sống mang đến, mỗi người cần phải xác định
cho mình những chân giá trị riêng cho bản thân và luôn trung thành với nó dù
cho có bất cứ chuyện gì xảy ra. Những chân giá trị đó có thể là sự chính trực,
lòng yêu thương, sự cảm thông, sự bao dung và tha thứ, lòng trắc ẩn,… Nếu không
xác định cho mình đâu là những giá trị mình hướng đến, đâu là con người mà mình
hướng đến, thì khi đứng trước những khó khăn và thử thách, chúng ta dễ bị sa
ngã và rồi không gượng dậy nỗi, cứ mặc cho con thuyền cuộc đời mình cứ trôi dạt
theo hướng và nó mong muốn, và rổi bản thân ta cũng không biết rằng cái đích
cuối cùng của mình là đi về đâu.
Bản thân tôi cũng như những người khác, mỗi khi có một
biến cố trong đời xảy đến với mình, tôi thường có xu hướng thay đổi bản thân
theo hướng tiêu cực hơn, vì điều đó thì lúc nào cũng dễ dàng hơn điều ngược
lại. Vì theo lẽ thường, con người ta có xu hướng suy nghĩ đến những điều tiêu
cực nhiều hơn, và những điều tiêu cực thì lúc nào cũng làm thỏa mãn con người
bản năng của chúng ta. Chính vì vậy mà chúng ta thường cứ buông xuôi mặc cho
chuyện gì xảy đến, mà không có động lực để vương lên và vượt qua những khó khăn
thử thách đó.
Bộ phim Ba Chàng Ngốc của Ấn Độ mà tôi rất tâm đắc, và
tôi đã xem đi xem lại không biết bao nhiêu lần, nó thật sự ý nghĩa và có giá
trị. Có quá nhiều bài học được truyền tải đến qua bộ phim, và mỗi lần xem lại
nó, tôi như tìm được câu trả lời cho chính những vấn đề mà tôi đang gặp phải
trong cuộc sống của mình.
Tôi còn nhớ cảnh anh chàng Raju đi phỏng vấn xin việc,
cuộc phỏng vấn đầu tiên trong cuộc đời anh ta khi còn đang là sinh viên. Anh ta
là một người mang trong mình quá nhiều nỗi sợ hãi, những chiếc nhẫn biểu tượng
của các vị thần mà anh ta mang trên tay còn nhiều hơn cả số ngón tay anh ta có.
Và anh ta luôn cầu nguyện cùng các vị thần này trước khi làm một việc gì đó
quan trọng đối với anh ta. Sau một lần cố gắng tự tử không thành vì bị thầy
Hiệu trưởng đuổi học, trải qua cơn thập tử nhất sinh, Raju đã thay đổi hoàn
toàn, anh đã cởi bỏ tất cả những chiếc nhẫn và bùa đang mang trên
người, anh chọn cuộc sống tin vào chính bản thân mình hơn là tin vào những vị
thần hư cấu mà anh chưa bao giờ nhìn thấy.
Bước vào phòng phỏng vấn trên chiếc xe lăn, một người
trong hội đồng phỏng vấn hỏi anh:
-
Anh bị sao vậy? Tai nạn sao?
-
Ông có thấy tòa nhà kia không? Tôi đã nhảy
từ tầng 3 xuống. - Raju hướng mắt về tòa nhà nơi anh ta đã cố tự tử.
Các thành viên trong hội đồng nhìn nhau với vẻ nghi
kị. Một vị buộc miệng hỏi:
-
Tại sao?
-
Vì tôi bị đuổi khỏi trường đại học.
-
Tại sao? – Cả hội đồng một lần nữa tỏ vẻ
ngạt nhiên trước câu trả lời thẳng thắng của Raju.
-
Tôi say rượu và đi tiểu vào cửa nhà thầy
hiệu trưởng.
Mọi người bắt đầu cảm thấy hơi ngột ngạt khó thở với
ứng viên này. Nhưng vẫn kiên nhẫn hỏi tiếp:
-
Điểm số của anh luôn rất thấp, tại sao lại
thế?
-
Sợ hãi. Khi còn nhỏ tôi đã học rất tốt, bố
mẹ tôi mong muốn tôi sẽ giải thoát họ khỏi đói nghèo. Điều đó khiến tôi sợ hãi.
Tại đây tôi chứng kiến một cuộc đua điên cuồng, bạn sẽ không được tính nếu
không đứng đầu, và nỗi sợ hãi lại càng tăng. Sợ hãi không tốt cho điểm số. Tôi
lại đeo thêm bùa và nhẫn, cầu nguyện Thượng Đế, cầu xin ngài giúp đỡ. 16 chiếc
xương gãy đã cho tôi 2 tháng đễ suy ngẫm. Cuối cùng tôi đã nhận ra, ngày hôm
nay, tôi không cầu xin Thượng Đế mang lại cho mình công việc này, tôi cám ơn
Ngài vì đã cho tôi sống. Nếu các ông không nhận tôi, tôi cũng không có gì tiếc nuối.
Tôi sẽ làm điều gì đó khác xứng đáng với cuộc sống của mình.
-
Cách cư xử thành thật như thế không tốt
cho công ty của chúng tôi. Chúng tôi cần một người khéo léo để đảm nhận công
việc. Anh quá thẳng thắng. Nhưng nếu…. anh hứa với chúng tôi sẽ kiểm soát thái
độ này, chúng tôi sẽ xem xét lại. – Một vị trong hội đồng vừa nói, vừa đẩy xấp
hồ sơ xin việc đang mở ra trên bàn về phía Raju, với hy vọng anh ta sẽ đồng ý
lời đề nghị vừa rồi.
Raju nhẹ nhàng gấp xấp hồ sơ xin việc lại và thẳng
thắn đáp lời:
-
Tôi đã gãy 2 chân để có thể đứng vững trên
đôi chân của mình. Không dễ dàng để có thái độ này đâu. Nó không thể thay đổi
thưa ông. Các ông hãy giữ công việc của mình,… tôi sẽ giữ thái độ của tôi. Tôi
xin lỗi, tôi không có ý gì đâu.
Rồi anh ta quay xe lặn lại và lăn về hướng cửa ra
ngoài.
-
Khoan đã. – Một vị trong hội đồng gọi Raju
lại. – Tôi đã phỏng vấn không biết bao sinh viên trong 25 năm qua. Ai cũng sẵn
sàng nói “có” để có công việc. Anh từ đâu đến vậy, con trai?
-
Xin lỗi ông! – Raju tỏ vẻ chưa hiểu câu
nói vừa rồi.
-
Chúng ta có nên thảo luận về mức lương
không? – Ông ta đáp.
-
Cảm ơn ông, cảm ơn! – Anh ứa lệ trong niềm
hạnh phúc.
Một câu chuyện vô cùng ý nghĩa và sâu sắc, thật đáng để mỗi người chúng ta học hỏi. Tôi vẫn cứ ám ảnh mãi câu nói của Raju khi được đề nghị phải thay đổi thái độ của mình để có được công việc rằng "Tôi đã gãy 2 chân để có
thể đứng vững trên đôi chân của mình. Không dễ dàng để có thái độ này đâu. Nó
không thể thay đổi thưa ông. Các ông hãy giữ công việc của mình,… tôi sẽ giữ
thái độ của tôi.” Cũng vậy, tôi cũng như các bạn, mỗi người chúng ta đã trãi
qua quá nhiều những biến cố trong cuộc đời, để trở nên còn người hiện tại, trở
nên tôi của hôm nay, đừng vì một khó khăn thử thách trong cuộc sống mà đánh đổi
tất cả những chân giá trị mà chúng ta đã xây dựng và theo đuổi bấy lâu nay, nếu
có thể, hãy thay đổi theo hướng tốt hơn chứ đừng tệ đi.
Nhiều lần tôi đã để mặc
cho cuộc sống nó cuốn mình đi, cứ trôi dạt vô định mà không có một phương hướng
cụ thể. Nhưng rồi cũng nhờ chính những đêm trằn trọc mất ngủ, chính những giây
phút tĩnh lặng trong tâm hồn, chỉ mình tôi với tôi, tôi chợt nhận ra mình đang
trên đà tuột dốc, đang phủ định lại những chân giá trị mà mình đã chọn lựa. Tôi
tự vấn bản thân tại sao mình lại trở nên như vậy? Và cũng chính những lúc đó,
tôi thấy mình cần phải dừng ngay những suy nghĩ, những thái độ, những hành động
chưa đúng đắn của mình, và phải làm một điều gì đó để thoát ra khỏi nó. Chỉ cần
chúng ta nhìn nhận đúng vấn đề của bản thân mình, tự động tiềm thức sẽ mách bảo
chúng ta cần phải làm gì để vượt qua những khó khăn thử thách đó, và để cuộc sống
của chúng ta trở nên tốt đẹp hơn.
Điều cuối cùng và quan trọng
nhất tôi muốn nhắc đến đó chính là mỗi người chúng ta cần những khoảng không
tĩnh lặng, chỉ mình ta với ta, để suy ngẫm về chính bản thân mình, suy ngẫm về
những gì mình đã trải qua, nhìn nhận những gì mình đã làm tốt hoặc chưa tốt, những
gì mình cần phải thay đổi và hướng đến trong tương lại. Và đừng quên chọn cho
mình những chân giá trị sống đích thực, những giá trị mang lại cho bản thân
mình một cuộc sống thịnh vượng, bình an và hạnh phúc, và không những thế, sự thịnh
vượng, bình anh và hạnh phúc trong tâm hồn mỗi người chúng ta sẽ còn được lan tỏa
đến tất cả mọi người xung quanh chúng ta.
Hãy sống một cuộc sống thật
sự giá trị bạn nhé.
Nguyễn Quốc Bửu
Ngày 10/07/2016
P/s: Tất cả chỉ là quan điểm cá nhân của bản thân mình, không có đúng hoặc sai. Mong nhận được sự chia sẽ.
0 Comments:
Đăng nhận xét